Mẹ tôi bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào. Hồi lớp 10 mẹ dạy Văn lớp tôi nên tất cả bạn bè tôi đều biết bà. Tính mẹ tôi vừa nghiêm, vừa dễ gần, do đó học sinh hầu như ai cũng quí, nhưng cũng rất sợ.
Bạn chung lứa hầu hết gọi mẹ tôi là bác chứ không gọi cô xưng em như bình thường. Nhưng trên trường lại khác.
Me tội bước vào mặt khá nghiêm nghị. - “Nay cô Diệp bị ốm, nên cô sẽ dạy thay một tiết” Mẹ tôi tiếp. - “Sáng nay cô Diệp dặn cô là hôm nay kiểm tra 15ph. Nào các em lấy giấy ra làm bài kiểm tra…” Nghe mẹ tôi nói xong, lớp tôi mặt đứa nào cũng xanh như đít nhái, nhưng không ai dám ho he gì. Nếu đề mà cho chép thơ là tôi chết chắc, vì học Văn chưa bao giờ tôi thuộc thơ và thường trong đề thi luôn in sẵn những câu thơ cần phân tích. Tôi luôn ỷ lại ở khả năng ngoáy bút của mình. Có vẻ tôi thừa hưởng một ít khả năng viết lách từ mẹ.
Bắt chước tụi bạn, tôi cũng lấy giấy ra, điền họ tên và chuẩn bị. QC ngồi bên cạnh rung đùi nhàn nhã, thấy tôi nhìn cô bé nhướn mày. - “Muốn gì?”, QC để cái mặt nhìn gian không thể tả. - “QC! Anh bảo này”, tôi nhỏ nhẹ. - “Bảo gì?”, em lại nhướn mày trêu ngươi tôi. - “Em có biết là em rất dễ thương ko?”, tôi bắt đầu dở trò xu nịnh. - “Chỉ có anh là chưa biết thôi, chứ em biết lâu rồi” - “QC này”, giọng tôi bắt đầu lúng túng. - “Muốn quay bài dùm đúng không?”, cô bé nói toẹt ra những nỗi khổ mà tôi đang cố giấu trong lòng.
Tôi vừa tức vừa buồn cười. Nhờ em quay bài đúng là không còn mặt mũi nào, nhưng lực bất tòng tâm, đành phải chấp nhận thôi chứ biết sao bây giờ. - “Thật ra, mọi việc không như em nghĩ đâu”, tôi chống chế. - “Em nên nghĩ thế nào?” - “Hôm qua anh có việc đột xuất cho nên…”, tôi làm cái mặt ra vẻ ân hận.
QC mìm cười, khoanh 2 tay trước ngực. Em ra điều kiện. - “Giúp anh em được cái gì?” - “Em thích gì?” Cô bé gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn, rồi quay sang đề nghị với tôi. - “Em thích nhiều lắm, nhưng lần này thì nhẹ nhàng thôi. Anh sẽ phải làm theo một yêu cầu của em. Không phải bây giờ mà là đến khi nào em có hứng. Ok?” - “Trời! Em ghê lắm, ai mà biết được em định làm gì”, tôi giãy nảy. - “Là anh quyết định đấy nhé…”, cô bé nhún vai. “Chết rồi nếu em không nhầm thì mẹ anh sắp chép đề lên bảng thì phải… Haizz. Mình chuẩn bị được người ta mời ăn trứng ngỗng rồi”. - “Thôi được rồi. Mà không được bắt làm mấy trò quá đáng đấy”, tôi nhăn mặt dè chừng. - “Hihi, yên tâm”, cô bé cười toe toét như thể mới ăn quỵt được tiền. “Móc tay cái cho khỏi quên nào” Em ngoéo luôn vào tay tôi như sợ tôi sẽ đổi ý. Tí nữa là tôi phì cười vì điệu bộ của em…
- “Bài cũ nha. Để quyển sách lên đùi, rồi để thêm quyển nữa lên bàn. Nhớ là đọc đúng dùm cái. Không là không trả đâu đấy”, tôi đe. - “Anh yên tâm. Sau lần đầu thực hành, hôm nay chắc chắn sẽ khác…”, giọng QC chắc nịch. - “Tìm bài Sóng của Xuân Quỳnh đó, tuần trước mới học…”
Tôi miễn cưỡng nhận lời của QC, vì tôi không muốn muối mặt với mẹ tôi. Mẹ mà biết tôi học hành tài tử kiểu này thể nào tôi cũng được nghe cải lương miễn phí. Ai chứ mẹ thì tôi còn lạ gì. Cực kì cầu toàn trong chuyện học hành của tôi. Bị điểm kém rồi sẽ nhận được lời động viên, an ủi kiểu như “học tài thi phận mà con, xem như là tai nạn” từ mẹ tôi, xin lỗi, chỉ có trong mơ. Đó là lí do tại sao tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ QC…
Tôi biết tính mẹ tôi, kiểm tra bà chỉ ngồi một chỗ trên bàn giáo viên để quan sát nên tôi cũng đỡ lo phần nào. Khi tất cả đã sẵn sàng cũng là lúc mẹ tôi bắt đầu chép đề lên bảng. Trái với những gì tôi dự đoán, đề bài không bắt chép thơ văn gì sất mà là “Em hãy kể lại một kỉ niệm đáng nhớ nhất” hoặc “Em hãy kể về một điều em day dứt nhất”. Đúng là mẹ tôi, toàn nghĩ ra những đề bài rất quái chiêu.
Tôi ngẩn tò te khi nhận ra rằng công sức tôi năn nỉ QC chỉ là công cốc. Tôi quay sang bên em, cô bé chỉ mím môi thật chặt cố giấu đi tiếng cười bật ra. - “Này không tính đâu đó”, tôi huơ tay trước mặt QC. - “Cũng được thôi. Nhưng để em gọi mẹ anh xuống xem con trai bác đang định làm gì”, em chỉ vào quyển sách đang để trên đùi. - “Nhưng em đã làm gì đâu…” - “Em sẽ bỏ qua, chỉ cần mẹ anh thấy quyển sách này thôi, được chứ?” - “Quá đángggggggg”, tôi kéo dài chữ “đáng” để em biết mình bất công thế nào. Em không thèm đáp lại mà chỉ nhún vai…
- “M làm bài đi! Cả con nữa QC, con cũng làm rồi nộp cho bác”, mẹ tôi đứng từ trên bục giảng ra lệnh. - “Dạ vâng…” QC lí nhí trả lời rồi chìa tay ra trước mặt tôi. - “Cái gì?” - “Cho em tờ giấy kiểm tra” - “Hừm, lúc năn nỉ người ta thì ngon ngọt lắm…”, tôi chép miệng, nhưng vẫn làm theo lời em.
Tôi chọn đề 2 và bắt tay vào làm bài…
Tôi phân vân không biết nên kể về mẹ hay HN. Ai cũng quan trọng với tôi… Cuối cùng tôi quyết định viết cho mẹ, vì tôi nghĩ bà là người sẽ đọc những dòng này. Thật ra, tôi hoàn toàn có thể viết cho HN, cô bé của tôi, mà không khiến mẹ tôi chạnh lòng hay gì cả, vì tôi tin một điều khi biết chuyện của em mẹ tôi chỉ càng thương em hơn mà thôi…
Tôi viết về một kỉ niệm lớp 5 khi tôi ăn cắp tiền của mẹ để đi mua bi. Khi phát hiện ra, mẹ tôi đã khóc rất nhiều. Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh đó và tự hứa với lòng mình là sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm đó thêm một lần nào. Tôi sợ nước mắt của mẹ, vì nó khiến tôi có cảm giác bất lực…
QC cũng làm bài kiểm tra. Tôi thấy em viết lia lịa, thi thoảng lại hơi ngửa cổ lên, đôi mắt nhắm nghiền có vẻ như muốn hồi tưởng lại những gì đã xảy ra với mình, sau đó lại cắm cúi viết tiếp. Tôi bất giác nhoẻn miệng cười vì hình ảnh dễ thương của cô bé trong tà áo dài thướt tha khi nghĩ đến một câu chuyện trước đó được nghe kể.
Chuyện là có một cô gái nước ngoài đến Việt Nam du lịch. Trước khi đi, cô gái ấy tìm hiểu và biết được rằng Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, cho nên cô ta quyết tâm đến nơi sẽ mua một bộ về làm kỉ niệm. Khi về cô ta rất hí hửng mặc vào để khoe với bạn trai của mình. Trớ trêu thay, cô ấy chỉ mua áo chứ không mua quần nên anh bạn trai nhìn thấy kết luận một câu xanh rờn “Áo dài của Việt Nam đúng là trang phục quyến rũ nhất thế giới…”
Tất nhiên là tôi nhìn QC mặc áo dài nên mới nghĩ đến chuyện vui đó chứ không phải tưởng tượng cô bé trong phong cách ăn mặc của cô gái kia. Như vậy thì bậy chết, các bạn nhể!? [ thật ra là cũng hơi hơi tưởng tượng, nhưng được một chút, hồi hộp quá lại phải dừng lại vì sợ tim rơi ra ngoài :( ]
Kiểm tra xong, mẹ tôi tiếp tục giảng bài Sóng của Xuân Quỳnh. Theo tôi nghĩ đây có lẽ là bài thơ về tình yêu hay nhất mà tôi được học. Rất tiếc hồi đó tôi không đủ tầm để hiểu hết ý nghĩa của bài thơ, nhưng có một người khiến tôi phải kinh ngạc… đó là cô bé đang ngồi cạnh tôi, QC.
Mẹ tôi bắt đầu bài giảng bằng 4 câu thơ mở đầu…
Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sóng không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể
“Sóng là một trạng thái động và luôn không ổn định. Vì vậy luôn có những thứ mâu thuẫn nhau cùng tồn tại trong một cá thể: dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ…”
Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ
Mẹ tôi thả hồn mình vào bài thơ có lẽ là tâm đắc nhất của bà và tôi không hề hay biết có người cũng đang phiêu dạt cùng những vầng thơ trữ tình của Xuân Quỳnh…
Trước muôn trùng sóng bể Em nghĩ về anh, em Em nghĩ về biển lớn Từ nơi nào sóng lên?
- Sóng bắt đầu từ gió Gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Những con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc Dẫu ngược về phương Nam Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh - một phương
Tình yêu thường không có tuổi. Ở mỗi giai đoạn con người ta có cách yêu khác nhau. Tôi không biết định nghĩa tình cảm QC dành cho tôi là gì. Là bồng bột? Có thể. Là mãnh liệt? Cũng không sai. Ở cái tuổi 17, cô bé yêu không hề toan tính. Tôi tự hỏi mình rằng giả sử tôi là một người chẳng ra gì thì QC sẽ như thế nào? Đó không phải bồng bột thì là gì? May cho em, tôi “không đến nỗi nào” [nói giảm nói tránh để khiêm tốn thôi, mọi người tự thêm cho tôi chút chút điểm nhé, chứ tôi mà được mang ra chợ bán cũng được khối tiền chứ chẳng đùa đâu]. Có một điều tôi chắc chắn, không phải ai cũng có tấm lòng và tình yêu mãnh liệt như QC…
Cô bé định nghĩa được tình cảm của mình, hay nói đúng hơn cô bé tìm thấy một phần hình ảnh của mình qua bài thơ. QC say mê ngồi nghe như muốn nuốt trọn lời mẹ tôi giảng.
Ở ngoài kia đại dương Trăm nghìn con sóng đó Con nào chẳng tới bờ Dẫu muôn vời cách trở Cuộc đời tuy dài thế Năm tháng vẫn đi qua Như biển kia dẫu rộng Mây vẫn bay về xa Làm sao được tan ra Thành trăm con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Đễ ngàn năm còn vỗ
Bất chợt tôi thấy QC giơ tay xin phát biểu ý kiến. - “Con thưa bác! Đã bao giờ bác thích một ai như Xuân Quỳnh…” Mẹ tôi cùng cả lớp bật cười vì câu hỏi dễ thương của em. Tôi đoán được cô bé này sẽ hỏi gì tiếp theo. Tôi không biểu lộ cảm xúc của mình mà chỉ ngồi khoanh tay theo dõi cuộc đối thoại giữa mẹ tôi và QC. - “Đó không gọi là thích con gái ạ! Người ta định nghĩa như thế là tình yêu. Bác tất nhiên là rồi chứ!”, mẹ tôi nhoẻn miện cười. - “Nếu như con… à không một cô gái vượt biển để gặp một chàng trai ngốc nghếch thì đó có phải yêu không”. Tự nhiên bị chửi xéo. Vô duyên kinh. - “Theo con thì có không?”, mẹ tôi đưa ánh mắt trìu mến nhìn QC. - “Dạ! Con không biết, nên con mới hỏi bác…”, QC đỏ mặt. - “Bác nghĩ là có. Cô gái ấy thật dũng cảm, con nhỉ” QC mỉm cười sau câu trả lời của mẹ tôi. Em khẽ khàng vuốt tóc. - “Nếu chàng trai ngốc nghếch đó không đáp lại tình cảm của cô gái xinh đẹp và đáng yêu nọ thì sao hả bác?”
Thật là nhức đầu với cái kiểu tự khen mình rồi vùi dập người khác trong cùng một câu nói. Tôi gõ ngón tay cành cạch xuống bàn bày tỏ thái độ bất mãn. Nhìn thấy tôi suýt nữa QC bật cười. Đúng lúc này, tiếng trống hết giờ vang lên. - “Cái này thì về nhà bác sẽ trả lời cho con… hết giờ rồi tụi con ra chơi đi…”, mẹ tôi xua tay ra hiệu cho lớp.